“Tỳ Bà Hành” của Bạch Cư Dị là nhan đề của một bài thơ dài 616 chữ thuộc thể loại thất ngôn trường thiên của Bạch Cư Dị, một trong những thi nhân nổi tiếng nhất trong lịch sử Trung Quốc sống vào thời nhà Đường. Bài thơ được sáng tác vào năm Nguyên Hòa thứ 11 đời Đường Hiến Tông (tức năm 816).
Thông qua việc miêu tả kỹ nghệ tấu đàn cao siêu cùng cuộc đời truân chuyên của người con gái ca kĩ Đàn tỳ bà, bài thơ đã phơi trần sự mục nát của quan lại trong xã hội phong kiến, sự suy thoái về sinh kế của nhân dân và sự chôn vùi của tài năng. Bài thơ biểu đạt sự đồng tình và lòng cảm thương sâu sắc của thi nhân đối với người con gái chơi tỳ bà, nhưng cũng đồng thời biểu đạt tâm trạng phẫn uất của ông khi bị giáng chức.
Cuốn “Tỳ Bà Hành dẫn giải” là bản dịch của Phan Huy Vịnh, Vũ Đăng Văn giải thích và phê bình, soạn theo chương trình Trung học. Phụ lục: bản dịch của Trần Trọng Kim. Sách do NXB Cây thông phát hành năm 1951, tại nhà in Văn Giao, 88 Lò Đúc, Hà Nội.
Hiện cuốn sách “Tỳ Bà Hành” đang được trưng bày và lưu giữ tại Bảo tàng Văn học Việt Nam – 275 Âu Cơ, Tây Hồ, Hà Nội.
BTVHVN