Bản trích dịch “Truyện Kiều” bằng tiếng Đức

“Truyện Kiều” là truyện thơ Nôm nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du được xét vào hàng kinh điển trong Văn học Việt Nam. Hiện nay, Bảo tàng Văn học Việt Nam đang lưu giữ và trưng bày một số bản “Truyện Kiều” được dịch ra tiếng nước ngoài, trong đó phải kể đến cuốn “Cung oán ngâm khúc và Kim Vân Kiều” bằng tiếng Đức của dịch giả Hubert Hohl, xuất bản tại Sài Gòn, năm 1967.

Bản trích dịch “Truyện Kiều” của Hubert Hohl với 31 trang in (từ trang 82 – 113) bao gồm các phần giới thiệu, tóm tắt nội dung và một số đoạn dịch, cụ thể là:

Từ câu 463 – 488 (“Rằng nghe nổi tiếng cầm đài … Khi vò chín khúc khi chau đôi mày”). Từ câu 719 – 756 (“Rằng lòng đang thổn thức đầy … Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây”). Từ câu 1047 – 1054 (“Buồn trông cửa bể chiều hôm … Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.– Từ câu 1189 – 1198 (“Buồng riêng riêng những sụt sùi … Lấy thân mà trả nợ đời cho xong”). Từ câu 1805 – 1818 (“Bước ra một bước một dừng … Ăn làm sao nói làm sao bây giờ”).  Từ câu 1849 – 1858 (“Rằng Hoa nô đủ mọi tài … Cúi đầu nàng những gạt thầm giọt Tương”). Từ câu 2149 – 2164 (“Thoắt trông nàng đã biết tình … Cũng liều mặt phấn cho rồi ngày xanh”). Từ câu 1189 – 1198 (“Buồng riêng riêng những sụt sùi … Lấy thân mà trả nợ đời cho xong”). Từ câu 2619 – 2636 (“Triều đâu nổi sóng đùng đùng … Đem mình gieo xuống giữa dòng trường giang”). Từ câu 3077 – 3124 (“Dứt lời nàng vội gạt đi … Trăng tàn mà lại hơn mười rằm xưa”). Từ câu 3135 – 3142 (“Động phòng dìu dặt chén mồi … Dưới đèn toả rạng má đào thêm xuân”). Từ câu 3179 – 3188 (“Nghe lời sửa áo cài trâm … Càng yêu vì nết càng say vì tình”)   

Hubert Hohl chính là Phó Giám đốc Viện Goethe Sài Gòn trong thời gian từ 1962-1967, và ở nhiệm kỳ tiếp theo đó là Giám đốc Viện Goethe tại Paris. Trong lời giới thiệu cho cuốn sách, Hubert Hohl viết: “Cuốn sách nhỏ này chứa đựng những thi phẩm cổ điển Việt Nam lần đầu tiên được dịch ra Đức ngữ” (nhưng bản dịch đầu tiên là của hai vợ chồng dịch giả Irene và Franz Faber năm 1964) và “Cuốn sách này ra đời do bởi tình yêu của dịch giả đối với đất nước này, nơi dịch giả đã ghi nhận được trong 5 năm trời tính hiếu khách của người bản xứ. Và do đó cuốn sách này cũng là một cách diễn tả lòng tri ân của dịch giả vậy”.

Qua phần tuyển chọn các trích đoạn của dịch giả để giúp bạn đọc Đức ngữ có một hình dung bước đầu về “Kinh Phúc Âm” của dân tộc Việt Nam (chữ của Phạm Quỳnh nói về Truyện Kiều), ta đã có thể nhận thấy vị Phó Giám đốc Viện Goethe ở Sài Gòn lúc đấy đã thực sự có con mắt xanh về những tinh tuý của văn chương cổ điển Việt Nam nói chung và về văn bản Kiều nói riêng./.

 

Chu Thị Hòa

Bài viết có sử dụng tài liệu:

ttps://dasmaedchenkieu.wordpress.com/2020/05/30/mot-tu-lieu-quy-ban-trich-dich-truyen-kieu-ra-tieng-duc-xuat-ban-tai-sai-gon-nam-1967