Vào một ngày hè năm 2007, trong số 35 tài liệu, hiện vât quý gia đình trao tặng, có 1 chiếc xe đạp được con cháu ông trưng bày trang trọng ở chính giữa ngôi nhà lưu niệm nhà thơ, ở địa chỉ 1236 đường Láng – Hà Nội. Chiếc xe còn khá mới, bên cạnh đó còn có cả giấy chứng nhận sở hữu xe đạp do công an Hà Nội cấp ngày 12 tháng 9 năm 1960 cho ông Hồ Trọng Hiếu (tức nhà thơ Tú Mỡ).
Chiếc xe không chỉ là bằng chứng cho một thời khó khăn, gian khổ của đất nước mà chứa đựng nhiều câu chuyện liên quan đến những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời sự nghiệp của nhà thơ Tú Mỡ và người con trai út của ông.
Theo ông Hồ Quốc Cường: Năm 1960, nhà thơ Tú Mỡ được phân phối mua chiếc xe đap Praha với giá 270 đồng bằng tiền nhuận bút của 2 tập thơ “Dòng nước ngược I” và “Dòng nước ngược II”. Nhà thơ gắn bó với chiếc xe từ năm 1960-1968, thời kỳ này ông đang làm Phó chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học – Nghệ thuật Việt Nam, Ủy viên thường vụ Hội Nhà văn Việt Nam, Đại biểu Quốc hội. Với chức vụ của mình, nhà thơ có tiêu chuẩn được đi ô tô, nhưng hằng ngày ông vẫn đạp xe đi làm từ nhà đến cơ quan. Kể cả đi họp Quốc hội ông cũng tự chủ động đi bằng xe đạp.
Đến năm 1968, khi đã yếu không thể đi được, nhà thơ đã chuyển chiếc xe cho ông Cường- khi đó đang làm phóng viên tại Đài Truyền hình. Cũng như cha mình, ông Cường đã sử dụng chiếc xe làm phương tiện chính khi đi làm và công tác. Từ những năm 70, chiếc xe đã cùng ông Hồ Quốc Cường đi khắp các chiến trường ác liệt miền Trung như: Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị… lấy tin tức phục vụ cho công việc của mình.
Khi nghỉ hưu, ông đã bảo quản, gìn giữ, trưng bày chiếc xe tại phòng lưu niệm của cha. Khi chúng tôi đặt vấn đề muốn gia đình tặng lại chiếc xe để trưng bày, giới thiệu cho đông đảo công chúng biết đến hiện vật quý của nhà thơ Tú Mỡ. Ông và gia đình đã sẵn lòng trao tặng lại hiện vật đã nhiều năm gắn bó với cha mình.
Chu Hoà