Có những họa sĩ, nhạc sĩ, những nhà thơ suốt đời chỉ viết về Bác Hồ là chủ yếu. Nhà thơ Minh Huệ là một người như vậy. Không những để đạt tới một giá trị nào đó về mặt nghệ thuật mà cái chính là họ tìm thấy trong công việc ấy một hạnh phúc, một cứu rỗi.
Nhà thơ Minh Huệ tên thật là Nguyễn Ðức Thai, sinh năm 1927 tại phường Bến Thủy, TP Vinh sôi sục phong trào công nhân dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản từ những năm 1930. Tiếng trống, tiếng loa, tiếng những bước chân rầm rập tiến về phía cuộc đời mới bất chấp súng gươm đã vọng vào lòng cậu bé một tinh thần cách mạng, một niềm tin về sức mạnh của nhân dân không gì lay chuyển nổi. Ðó cũng là một trong những lý do mà Minh Huệ sớm tham gia Tổng khởi nghĩa giành chính quyền Nghệ An và trọn đời theo cách mạng, theo kháng chiến.
Trên thực tế, trong văn học Việt Nam hiện đại có một đề tài lớn, có nhiều thành tựu, đó là viết về lãnh tụ, mà chủ yếu là viết về Bác Hồ.
Nguyễn Ái Quốc, với những hoạt động mới mẻ của mình ở nước ngoài, từng là thần tượng của lớp thanh niên trí thức yêu nước và cách mạng. Khi tìm được con đường đúng đắn để giải phóng dân tộc, Bác về nước và cùng T.Ư Ðảng chèo lái con thuyền cách mạng vượt mọi phong ba, làm cho cuộc kháng chiến của nhân dân ta trở nên cuộc kháng chiến thần thánh. Ở Bác, hội tụ được tất cả những gì tiến bộ của thế giới, của thời đại mới và bền chắc cội rễ tinh hoa của dân tộc. Bác là một lãnh tụ kiểu mới của giai cấp vô sản, nhưng không chỉ có thế. Bác là lãnh tụ duy nhất, một phong cách duy nhất Hồ Chí Minh. Người đi ra từ nhân dân và đến với nhân dân. Viết về Bác, vì vậy không chỉ là viết về một con người cụ thể, một sự ngợi ca lãnh tụ theo lẽ thường, mà là viết về một vẻ đẹp đã được hun đúc, về một nguồn sáng, nguồn sức mạnh tinh thần có tính vĩnh cửu…
Có những họa sĩ, nhạc sĩ, những nhà thơ suốt đời chỉ viết về Bác Hồ là chủ yếu. Nhà thơ Minh Huệ là một người như vậy. Không những để đạt tới một giá trị nào đó về mặt nghệ thuật mà cái chính là họ tìm thấy trong công việc ấy một hạnh phúc, một cứu rỗi. Minh Huệ sau này viết :
Giàu sang văn hóa, giàu nhân ái
Lộng lẫy niềm tin lộng đất trời
Yêu Bác làm thơ theo chí Bác
Tâm hồn yên tĩnh giữa trùng khơi
Bác Hồ sống trong lòng dân tộc đến mức ở đâu và lúc nào cũng hiển hiện tư tưởng và tình cảm của Người. Ðúng như một câu ca dao trong kháng chiến Cụ Hồ ở giữa lòng dân; Tuy xa, xa lắm, nhưng gần, gần ghê. Minh Huệ cảm nhận được Bác, viết hay về Bác trong bài Ðêm nay Bác không ngủ khi ông ở Nghệ An và chưa từng được gặp Người.
Ðó là một đêm sông Lam mùa đông năm 1950. Trong một căn nhà gianh gió lùa kẽ liếp, Minh Huệ được một người bạn tên là Chắt, bảo vệ của đồng chí Nguyễn Chí Thanh, kể cho nghe chuyện Bác Hồ đi chiến dịch. Năm ấy, Bác đã 60 tuổi vẫn mặc quân phục, lội suối băng rừng kiểm tra trận địa, trực tiếp chỉ huy chiến dịch. Chuyện đồng chí Chắt kể rất cụ thể những gì đồng chí thấy được như có lúc, đồng chí phục vụ rán thịt gà cho Bác, Bác nhường lại cho thương binh, còn Bác ăn cơm với muối rang mang theo đựng trong ống tre. Có khi chân Bác sưng lên nhưng Bác vẫn không đi ngựa mà nhường cho những đồng chí sức yếu …
Những chuyện cụ thể và cảm động ấy đã làm cho nhà thơ ràn rụa nước mắt. Nửa đêm, Chắt phải lên đường. Trước khi chia tay, Chắt “à” lên một tiếng và thủ thỉ giọng Huế :” Còn một mẩu chuyện ni nữa, mình quên kể với cậu”.
Một đêm, Bác Hồ ghé vào một lán bộ đội giữa rừng. Một đội viên tỉnh giấc thấy có một cụ già Nùng đang tiếp củi vào bếp lửa giữa lán. Bóng ông cụ và ánh lửa như đang tỏa sáng, xua đi bóng tối và cái lạnh lẽo của núi rừng. Anh trùm kín thêm áo trấn thủ lên đầu định ngủ tiếp nhưng linh tính mách bảo anh một điều gì đó. Anh ló đầu ra, căng mắt quan sát và nhận ra Bác Hồ. Anh vùng dậy sung sướng định reo lên nhưng không hiểu sao, anh chỉ lại run run khẽ thốt :
– Bác ơi, sao Bác chưa ngủ ạ ? Thưa Bác, mời Bác đi ngủ…
Bác cười hiền, đầm ấm :
– Ðược, cháu cứ ngủ ngon, Bác sẽ đi ngủ.
Vâng lời Bác, anh đội viên trở về sạp. Nhưng làm sao có thể ngủ được khi được gặp Bác Hồ và Bác Hồ còn thức. Thế là anh lại vùng dậy, nài nỉ mời Bác đi ngủ kẻo trời sắp sáng. Bác lại âu yếm bảo : “Cháu cứ việc ngủ ngon, ngày mai đi đánh giặc. Cháu ngủ ngon là Bác khỏe. Bác không buồn ngủ vì trời lạnh còn nhiều bộ đội và dân công ngủ ngoài rừng”…
Chắt kể đến đây, đứng lặng hồi lâu rồi mới ra đi. Còn Minh Huệ vào nhà không thể nào ngủ được. Bác Hồ thức, không chỉ một đêm trong chiến dịch mà thức cả đời vì hạnh phúc của dân tộc – cái tứ ấy trào lên, bồi hồi. Bác không ngủ đêm nay – Ðêm nay Bác không ngủ – Bác thức vì dân tộc, những câu thơ tự vang lên. Bài thơ xoay quanh một ý chính: Tình yêu thương cao cả của Bác, sự gần gũi, giản dị của lãnh tụ là sức mạnh chiến đấu cho toàn dân. Bài thơ được triển khai theo hướng : Anh đội viên được Bác yêu thương, chăm sóc, như ánh nhìn trìu mến, như đi ém chăn… đến khi ra trận lấy sức mạnh đó làm sức mạnh xung phong, hô vang tên Bác. Bài thơ kết thúc thì gà cũng gáy sáng.
Tâm trạng sung sướng, hồi hộp vì đã làm được “một việc lớn” kéo dài suốt hai tuần liền. Ðến khi tỉnh táo lại thì tác giả nhận ra rằng, niềm hy vọng đã hóa thành ảo ảnh. Tuy có vần điệu, cảm xúc nhưng còn quá tham lam, lộn xộn, trùng lặp, là một ghi chép mà mẩu chuyện này chồng lên mẩu chuyện kia.
Lại một thời gian nữa để đấu tranh “viết hay không viết”. Phải mất năm tháng để “nấu” chín cảm xúc và ý tưởng, thanh lọc được sự cường điệu, lên gân. Năm tháng ấy, trong đầu Minh Huệ chỉ có hình ảnh của Bác và bài thơ dang dở của mình. Rồi lại một đêm ông viết đến hai giờ sáng, kiệt sức, gục đầu vào án thư thiếp ngủ .
Rạng sáng, một người bạn văn là Huy Phương đến chơi, nhìn thấy bài thơ, mừng quá nói là sẽ đem đi in ngay vào tập thơ của chi hội văn nghệ kháng chiến Khu IV của ông Lư (Lưu Trọng Lư).
Không lâu sau, nhà thơ Lưu Trọng Lư gặp Minh Huệ. Ông cầm lấy vai nhà thơ trẻ giật lia lịa, mặt nóng bừng:
– Huệ, Huệ! Bài thơ của mi làm ra lúa gạo rồi!
– Bài mô ?
– Bài “Ðêm nay Bác không ngủ” chứ bài mô. Tau đi làm thuế nông nghiệp, ngâm bài của mi, dân thích lắm. Họ nói: “Cụ Hồ thương ta như rứa, ta phải lo đóng lúa nhiều cho Cụ nuôi quân”…
Bài thơ ngay từ khi mới ra đời đã được phổ biến rộng rãi, đã được cải biên thành chèo để phục vụ kháng chiến, đã được đưa vào sách giáo khoa và phổ nhạc…
Nhà thơ Minh Huệ từng tâm sự: Hầu như toàn bài thơ là lời kể của đồng chí Chắt, được thể hiện trên cơ sở của hình thức vè Nghệ Tĩnh. Có lẽ chính cái chân thật, tự nhiên của câu chuyện, của chính tác giả đã tạo ra sự thành công của bài thơ. Nó được nhân dân tiếp nhận cũng chính nhờ cái chân thật, tự nhiên trong tình cảm của Bác đối với nhân dân, của toàn dân ta đối với Bác Hồ. Nếu có sáng tạo của riêng tôi, là ở khổ kết. Ðể trả lời câu hỏi vì sao Bác không ngủ, tôi đã kể ra không biết bao nhiêu lý do nhưng không có lý do nào ổn thỏa, bao quát. Cuối cùng, tôi có được câu kết thật bất ngờ, như bắt được: “Ðêm nay Bác ngồi đó; Ðêm nay Bác không ngủ; Vì một lẽ thường tình; Bác là Hồ Chí Minh”.
Chỉ cái tên Hồ Chí Minh đã đủ gợi lên tất cả, gói tròn tất cả. Một nhà phê bình đã viết : Cái lẽ “thường tình” ấy là một sự “thần tình”.
NGUYỄN HOÀNG NHẬT