Sau khi cuốn tiểu thuyết “Thời xa vắng” ra mắt bạn đọc và được Giải thưởng Hội Nhà văn, đặc biệt là sau lần đến nước Mỹ trở về, tiếng tăm Lê Lựu nổi như cồn. Đến các cuộc nói chuyện của anh cũng được in thành băng, khiến có người hốt bạc. Thế nhưng Lê Lựu rất nghèo.
Gần tết năm 1999, Lê Lựu bảo tôi: “Tết này tao với chú phải mở chiến dịch làm kinh tế”. “Em có biết buôn bán gì ở đất này đâu?”. “Ôi giời, tao với chú thì có mà buôn trấu bán tro. Viết báo tết. Nhiều nơi đặt quá mà tao chẳng đi viết được”. “Viết báo tết?”. “Ừ. Năm trước đám thằng Khoa vớ bẫm. Nghe đâu đăng mấy chục tờ báo, kiếm tiền triệu đấy”.
Thế là từ hôm đó, cứ tối tối, tôi lại đến nghe Lê Lựu kể, ghi chép lại, đêm về hì hục viết ra giấy để sáng hôm sau đưa Lê Lựu sửa lại, rồi thuê người đánh máy. Khoảng 10 giờ 30 phút, khi bài vở đã sửa sang lần cuối, tôi lại chở Lê Lựu đến các tòa soạn để “nộp quyển”.
Tất nhiên, những bài như thế đều ký tên Lê Lựu bởi nhiều lẽ. Trước hết, đó là ý tưởng của anh, văn phong của anh, tôi chỉ là người ghi chép lại. Thứ nữa, khi đó việc để in được một bài báo trên số tết với tôi không dễ dàng gì. Mà giả sử có được in thì nhuận bút cũng chẳng được là bao. Nhưng ký tên anh thì khác.
Không những dễ được đăng mà nhuận bút còn rất xôm. Thế nhưng cũng có điều bất cập nảy sinh, ví như đối với những bài phỏng vấn in trên Báo Tiền Phong năm đó, chả lẽ Lê Lựu lại đi phỏng vấn… Lê Lựu? Thế là tòa soạn cứ Giang Minh, Châu Khoái… gì gì đó thực hiện.
Cũng không ít lần Lê Lựu hành tôi ra trò về chuyện câu chữ: “Ký tên tao, tao phải chịu trách nhiệm thương hiệu đấy nên không thể làm bừa, làm ẩu”. Cuối năm đó, hai anh em đèo nhau đi lĩnh nhuận bút, cả thảy 11 bài được hơn 8 triệu đồng, liên hoan một bữa rồi chia nhau. Lê Lựu đưa tôi hơn 4 triệu, bảo: “Mày phải lo nhiều, cầm lấy mà về Thái Bình ăn tết cho vui vẻ”.
Nhớ hôm đến nộp bài cho Báo An ninh thế giới, Nhà văn Hữu Ước mời vào phòng, mở rượu Tây. Lê Lựu nâng chén nói bằng giọng vô cùng thiểu não: “Ước cho anh gửi một bài báo tết nhé”. “Vâng, thế thì tốt quá, bác đưa ngay cho em nhé” – Nhà văn Hữu Ước hớn hở.
Lê Lựu lục trong chiếc túi dã chiến ra một tờ giấy A4 nhàu nát, cỡ 600 chữ đánh máy, giọng còn nhàu… hơn cả bản thảo: “Anh bây giờ viết lách khó khăn lắm. Chữ nghĩa nó chạy đâu sạch cả. Mà bài này có được… 3-4 triệu không Ước nhỉ?”. Nhà văn Hữu Ước cười phá lên: “Bác định cho em bán nhà đấy à? Nhưng mà ông anh cứ yên tâm, em sẽ trả bác bằng 3 bài khác”.
Và bài báo đó, tôi nhớ không nhầm thì được hơn 1 triệu đồng. Không nói ra nhưng hai anh em đều biết đây là tấm lòng của tòa soạn với văn nghệ sĩ, của Nhà văn Hữu Ước với ông anh chứ sòng phẳng ra, nhuận bút làm gì được thế.
Lê Lựu có thể được coi là một trong những nhà văn đi nhiều nhất nước. Nguyễn Quang Thiều, Trần Đăng Khoa… xuất ngoại nhiều không kém nhưng về đến Hà Nội là dừng, không muốn đi đâu nữa. Còn Lê Lựu thì cả cuộc đời là một cuộc hành trình không nghỉ.
Ấn tượng nhất là việc Lê Lựu đi Mỹ. Xung quanh chuyện này có nhiều giai thoại. Trần Đăng Khoa trong “Chân dung và Đối thoại” kể Lê Lựu sau khi đi Mỹ về: “Người ta săn đón anh, mời anh đi nói chuyện ở khắp các cơ quan xí nghiệp, trường học. Buổi nào cũng đông nghịt. Người nghe như bị bỏ bùa, bị thôi miên, bị đánh thuốc lú. Trước hiện tượng ấy, không biết một nhà kinh tế bí mật nào đó đã ma mãnh “kinh doanh” Lê Lựu và “trúng quả đậm”.
Buổi nói chuyện được ghi âm rồi in ra hàng loạt. Băng Lê Lựu bán chạy không thua bất cứ một thứ nhạc rock, nhạc pop, nhạc disco hay nhạc thời thượng nào. Giá bán đắt khét lẹt. Một vài băng đã tràn sang đất Nga. Ở ký túc xá Môgiaixkôiê, có một anh chủ hàng đã “quát” tôi với giá 1.800 rúp. “Không chát đâu ông anh ạ! Có 2 đôla thôi mà. Bằng một gói mì chính cánh.
Cứ nghe đi, rồi ông anh sẽ thấy mì chính cánh rất nhạt”. Tôi đã mua sự tò mò với giá 1.800 rúp, không thể bớt được một xu. “Gớm, ông anh cứ làm như chó Nhật ấy. Loại hàng này đâu có xuống giá mà ông anh đòi bớt”. Quả thật, Lê Lựu có biệt tài trả lời những câu hỏi phỏng vấn của đồng nghiệp và các hãng thông tấn nước ngoài.
Khi hỏi cảm giác của anh với Liên Xô và Mỹ, anh cười: “Tôi rất ngạc nhiên, ngạc nhiên đến kinh ngạc. Ở Liên Xô thì tôi cứ ngỡ Liên Xô là Mỹ và khi ở Mỹ thì tôi cứ nghĩ Mỹ là Liên Xô”. Tôi không biết những chuyện trên thật đến đâu và đâu là sự thêm nếm của nhà văn vốn nổi tiếng dẫn chuyện này.
Riêng với câu tưởng Liên Xô là Mỹ, tưởng Mỹ là Liên Xô, tôi đã được nghe một nhà thơ lớn nói trong cuộc gặp mặt các nhà văn trên 70 tuổi rằng chỉ với câu này, Mỹ nó phải trả cho Lê Lựu… 1 triệu USD. Tôi đem chuyện này kể với Lê Lựu, anh cười bảo chắc nhà thơ lão thành nói đùa cho vui thôi chứ làm gì có của.
Nước Mỹ nó giàu thật nhưng không phải là đống vàng vô chủ, ai muốn xúc bao nhiêu thì xúc, ai muốn vơ bao nhiêu thì vơ… Tôi không biết khi đó, Lê Lựu có của chìm, của nổi ở nhà băng Na Uy, Thụy Sỹ nào chứ tiền mặt thì vô cùng khiêm tốn. Suốt 4 năm gần gũi Lê Lựu, tôi chưa bao giờ thấy anh có quá… 200 ngàn Việt Nam đồng trong túi.
Người mà Lê Lựu “xu phụ” đến mức “nịnh bợ” là… chị Lâm, thủ quỹ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cứ thi thoảng lại thấy Lê Lựu mặt nhàu như dưa đến cạnh chị Lâm thẽ thọt: “Lâm ơi, cho anh vay trước mấy chục”.
Bây giờ thì Lê Lựu chắc đã khá. So với thiên hạ thì không dám nhưng so với đám nhà văn nước Nam này thì chắc anh vào loại “nứt đố, đổ vách”. Anh có của ăn, của để. Tổng giám đốc chứ đâu phải bỡn! Dưới quyền anh là hàng mấy chục nhân viên ở khắp đất nước.
Cái cơ ngơi vài trăm mét vuông ở đường Tam Chinh mỗi lần xuống lại thấy đổi khác. Anh có ôtô, có tài xế riêng và đặc biệt vào phòng anh, thấy rất nhiều tủ được khóa kỹ. Còn ông chủ thì luôn rủng roảng chùm chìa khóa nặng trĩu những chìa là chìa. Đó là điều trước đây không hề có.
Giờ đây, anh không còn phải đi viết thuê nữa mà thuê người khác viết bởi anh có trong tay mấy số Văn hóa Doanh nhân. Và không biết có ai đó mỗi dịp làm báo tết lại: “Anh Lựu ơi, cho em gửi một bài. Em bây giờ viết lách khó khăn lắm. Chữ nghĩa nó chạy đâu sạch cả. Mà bài này có được… 3-4 triệu không anh Lựu nhỉ?”
Bùi Hoàng Tám
Theo nguồn:https://cand.com.vn/Kinh-te-Van-hoa-The-Thao/Nha-van-Le-Luu-va-chien-dich-viet-thue-bao-Tet