Nguyễn Tuân – Bậc thầy về tùy bút

Vanvn- Xuất hiện trên văn đàn vào đầu thế kỷ XX, Nguyễn Tuân là một tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại, một nhà văn bậc thầy, một nhân cách văn hóa mẫu mực. Ông đã để lại một sự nghiệp văn học đồ sộ mà đỉnh cao là những bài tùy bút với phong cách riêng biệt không lẫn với bất cứ cây bút nào.

Nhà văn Nguyễn Tuân đã khẳng định tên tuổi với phong cách viết “Vang bóng một thời”

Một cây bút có sức viết dồi dào

Nguyễn Tuân sinh ngày 10.7.1910, quê ở làng Nhân Mục (thường gọi là làng Mọc), thôn Thượng Đình, nay thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Xuất hiện trên đàn văn vào cuối thập niên 30 và đầu 40 thế kỷ XX, Nguyễn Tuân đã khẳng định ngay lập tức tên tuổi của mình ở một văn phẩm gần như thâu tóm và kết tinh mọi tinh hoa làm nên sự hoàn thiện và hoàn mỹ của một phong cách viết “Vang bóng một thời”.

Với khởi đầu rất ấn tượng là “Vang bóng một thời”, Nguyễn Tuân đến với Cách mạng tháng Tám bằng sự tận lực sống với thời cuộc, với sự sống đương đại, nhãn tiền.

Với Nguyễn Tuân, đã chọn nghề viết, ông đã không ngừng viết bất cứ lúc nào, dẫu với bất cứ chuyển động nào của lịch sử. Tháng Tám – mùa thu cũng đã vào văn Nguyễn Tuân trong vẻ lộng lẫy của một bức sơn mài. Ông không ngần ngại đi lên chiến khu Việt Bắc, viết những trang mới nồng ấm tình người trong “Đường vui”, “Tình chiến dịch”…

Nguyễn Tuân là một cây bút có sức viết dồi dào. Cả trước và sau Cách mạng Tháng Tám, ông đều để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị như “Vang bóng một thời”, “Tuỳ bút I”, “Thiếu quê hương”, “Chiếc lư đồng mắt cua”, “Tóc chị Hoài”, “Đường vui”, “Tình chiến dịch”, “Sông Đà”, “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi”… đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc bởi nó mang phong cách uyên bác, tài hoa, độc đáo và một giọng văn rất riêng.

Ông ưa một lối viết liên tưởng mang tính chất tạo hình, ông viết không chỉ bằng ngòi bút của một nhà văn mà dường như còn viết bằng nhãn quan, bằng ngòi bút của một họa sỹ, của một nhà điêu khắc nên văn của ông rất giàu màu sắc, rất giàu hình khối, rất giàu chất điện ảnh. Chất điện ảnh, chất điêu khắc, chất hội họa đã làm cho sự hoa mỹ trong lời văn của Nguyễn Tuân rất rõ nét và đa dạng.

Gần 50 năm hoạt động văn học liên tục, Nguyễn Tuân đã có những đóng góp đáng kể vào sự phát triển văn xuôi quốc ngữ Việt Nam hiện đại, với phong cách nghệ thuật độc đáo, trình độ sử dụng tiếng Việt điêu luyện. Con đường nghệ thuật này của ông tiêu biểu cho một lớp văn nghệ sĩ Việt Nam vốn mang quan điểm nghệ thuật vị nghệ thuật, đã chuyển mình trở thành văn nghệ sĩ cách mạng. Toàn bộ sáng tác của ông thấm đẫm tinh thần dân tộc thiết tha, nhất là những giá trị văn hóa cổ truyền.

Giới nghiên cứu ca tụng những bữa tiệc ngôn từ trên trang văn Nguyễn Tuân và đề cập đến việc soạn một từ điển ngôn ngữ Nguyễn Tuân, với những “phố Phái”, “huyện đảo”… mà ông đã góp vào kho từ vựng chung của tiếng Việt. Người ta hiểu rằng cả một vùng trời lung linh ngôn ngữ ấy là tinh kết của một cuộc sống từng trải, si mê góp nhặt từng mảy vàng tiếng mẹ đẻ… Nguyễn Tuân thực sự là một bậc thầy ngôn từ mà rất lâu nữa mới có nhà văn khác sánh kịp. Chẳng hạn, ông dùng cụm từ “Hà Nội nội thành” về nghĩa tương đương cụm từ “nội thành Hà Nội” nhưng đọc cụm từ của Nguyễn Tuân ta thấy sự hội tụ tinh hoa đất kinh kỳ rất rõ ở trong một vùng địa lý chật hẹp.

Có thể nói, bất kỳ ở giai đoạn nào, ông cũng có những tác phẩm để đời. Ngoài truyện ký, Nguyễn Tuân còn viết tiểu luận phê bình và viết các chân dung văn học. Ông viết về tiếng Việt giàu và đẹp, về Truyện Kiều, về Tú Xương, Tản Đà, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Nguyên Hồng, Nguyễn Huy Tưởng, Thạch Lam, về Dostoyevsky, Tchekhov, Lỗ Tấn. Với vốn hiểu biết phong phú trong nhiều lĩnh vực, với năng lực thẩm mỹ sắc sảo và lối viết tài hoa phóng túng, những bài viết đó thường đậm đà, có những phát hiện độc đáo, tâm đắc.

Một bậc thầy về tùy bút

Ngoài ra, đỉnh cao trong văn nghiệp đồ sộ mà Nguyễn Tuân để lại là những bài tùy bút với phong cách riêng biệt không lẫn với bất cứ cây bút nào. Ông cũng được coi là một trong 3 nhà văn (cùng với Tố Hữu và Xuân Diệu) sớm có tác phẩm ngay từ những ngày đầu chào mừng kỷ nguyên độc lập của dân tộc.

Nếu như dòng tùy bút trước Cách mạng Tháng Tám của Nguyễn Tuân thấm đẫm sự kiêu bạc của cái “tôi” tác giả – một con người tài hoa, khinh bạc, muốn “nổi loạn” chống lại xã hội phàm tục, thì sau Cách mạng tháng Tám, ông đã hòa mình vào cuộc sống nhân dân, rũ bỏ cái “tôi”, vươn lên thành người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa văn nghệ. “Tùy bút kháng chiến” đã có cái nhìn ấm áp, tin yêu với cuộc đời mới, sự gắn bó cảm động giữa nhà văn và quần chúng kháng chiến. Trong một số truyện như “Những con đò danh dự”, “Thắng càn”, ông đã thể hiện chân thực những người lao động bình thường giản dị mà rất mực anh dũng trong cuộc chiến đấu đầy gian khổ của dân tộc.

Đặc biệt, tùy bút “Sông Đà” viết về cuộc sống đổi thay đi lên chủ nghĩa xã hội ở vùng Tây Bắc và những tác phẩm tùy bút viết trong những năm chống Mỹ cứu nước viết về cuộc chiến đấu anh hùng của quân dân Thủ đô Hà Nội, được tập hợp trong tác phẩm “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” chính là những chiến công sácng chói của người chiến sĩ văn nghệ Nguyễn Tuân.

Có thể nói, tùy bút Nguyễn Tuân thấm đượm thứ văn hóa Đông Tây đã được ông tiếp nhận – không chỉ hiểu triết lý mà còn thấm cả đạo lý, dù hấp thụ sâu sắc chủ nghĩa tự do cá nhân vẫn thấy mình nặng nợ với đất nước, với làng xóm, phố phường, thấy mình có gốc rễ từ lịch sử.

Chỉ riêng các tác phẩm viết về Hà Nội thật khó quên. Các thú chơi xưa của các nhà Nho như uống rượu, uống trà, thả thơ… được nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả từ cái nhìn đầy hoài niệm hướng về quá khứ trong tập “Vang bóng một thời”. Rồi sau này, chỉ cần tùy bút “Phở” đã thâu tóm những gì cần biết và cả cách thưởng thức món phở. Hoặc vi mô hơn, chỉ cần hai chữ “Phố Phái” là cả một dòng tranh vẽ phố cổ Hà Nội đặc sắc của danh họa Bùi Xuân Phái được định danh.

Đối với ông, văn chương trước hết phải là văn chương, nghệ thuật trước hết phải là nghệ thuật. Tài phải đi đôi với tâm. Ấy là “thiên lương” trong sạch, là lòng yêu nước thiết tha, là nhân cách cứng cỏi trước uy quyền phi nghĩa và đồng tiền phàm tục. Người đọc mến Nguyễn Tuân về tài, nhưng còn trọng ông về nhân cách đó nữa.

Năm 1996, ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I, cho các tác phẩm “Nguyễn” (truyện ngắn, 1945), “Đường vui” (tuỳ bút, 1949), “Tùy bút kháng chiến” (1955), “Sông Đà” (tuỳ bút, 1960), “Tình chiến dịch” (tùy bút, 1960), “Hà Nội ta đánh Mỹ giỏi” (tùy bút, 1972), “Ký” (1976), “Tuyển tập Nguyễn Tuân” (tập I, 1981; tập II, 1982), “Chuyện nghề” (phê bình tiểu luận, 1986).

Ông mất tại Hà Nội, tên ông được đặt cho một con đường ở Hà Nội.

THANH HOA/ TTXVN

Theo nguồn:https://vanvn.vn/nguyen-tuan-bac-thay-ve-tuy-but/