Chiều ngày 4 tháng 4 năm 2022, Giám đốc, nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ và cán bộ Bảo tàng Văn học Việt Nam vui mừng được đón bà Dương Thị Tiểu Mai và con gái đến trao tặng mười lăm tài liệu, hiện vật của người em gái – người dì yêu mến, tài năng – nhà văn Dương Thị Xuân Quý.
Tài liệu, hiện vật gồm: hiện vật thể khối, tài liệu, tác phẩm và thư từ. Trong số đó, quý nhất là chiếc áo dài màu tím và bảy lá thư nhà văn viết từ chiến trường gửi về cho người thân vào năm 1968.
Bà Tiểu Mai chia sẻ: “Lúc trẻ, nhà văn Dương Thị Xuân Quý rất thích màu tím và may rất nhiều áo màu tím. Chiếc áo dài này, được nhà văn may ở Hà Nội và thường mặc vào các dịp lễ tết, hội họp trong thời gian làm báo “Phụ nữ Việt Nam”.
Trước khi đi vào chiến trường, nhà văn có gửi lại chiếc áo cho gia đình cất giữ hộ. Hơn 50 năm kể từ ngày nhà văn Dương Thị Xuân Quý hy sinh, chiếc áo và những tài liệu, hiện vật vẫn được gia đình lưu giữ cẩn thận”.
Tin tưởng vào Bảo tàng, bà Tiểu Mai đại diện gia đình trao tặng lại những kỷ vật ít ỏi còn lại với hi vọng bạn đọc và công chúng có thể biết thêm những câu chuyện đời phía sau những tác phẩm nổi tiếng và tấm gương quả cảm của nhà văn.
Nhà văn Dương Thị Xuân Quý sinh ngày 19 tháng 4 năm 1941, quê quán thôn Mễ Sở, huyện Văn Giang tỉnh Hưng Yên. Bà từng tốt nghiệp lớp Báo chí, trường Đại học Nhân dân ở Hà Nội. Từ năm 1961-1968 là phóng viên báo “Phụ nữ Việt Nam”. Khi đế quốc Mỹ bắn phá miền Bắc, bà làm phóng viên thường trú của báo ở tuyến lửa khu 4.
Tháng 4-1968, nhà văn Dương Thị Xuân Quý xung phong vào chiến trường B, công tác tại tạp chí “Văn nghệ giải phóng Trung Trung Bộ” và hy sinh ngày 8 tháng 3 năm 1969 tại thôn 2, xã Xuyên Tân, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam.
Ghi nhận công lao đóng góp của nhà văn Dương Thị Xuân Quý, năm 1985 bà được truy tặng huân chương kháng chiến hạng Ba, truy tặng giải thưởng Nhà nước về Văn học – Nghệ thuật năm 2007 và tên tuổi được đặt cho một con đường ở quận Ngũ Hành Sơn – TP. Đà Nẵng năm 2012.
Phòng Nghiên cứu – Sưu tầm.