“Phụ nữ tân văn” là một trong số những tờ báo thành công nhất thời kỳ đầu thế kỷ XX. Mục tiêu là đấu tranh cho nữ quyền, lấy phụ nữ là đối tượng chính, nhưng “Phụ nữ tân văn” lại có nhiều đóng góp cho sự phát triển của thi ca hiện đại Việt Nam.
Đóng góp nổi bật của “Phụ nữ Tân văn” về lĩnh vực văn học là cổ vũ, ủng hộ phong trào “Thơ mới”. Trên “Phụ nữ Tân văn” số 122, ra ngày 10 tháng 3 năm 1932 có đăng bài viết “Một lối thơ mới trình giữa làng thơ” cùng với bài “Tình già” của Phan Khôi đánh dấu sự mở đầu của phong trào “Thơ mới”. Tiếp đến, hàng loạt bài viết của nữ sĩ Manh Manh đăng trên“Phụ nữ Tân văn” hô hào, cổ vũ cho Phan Khôi và phong trào “Thơ mới”, đã mở ra các cuộc tranh luận sôi nổi trên văn đàn và báo chí Việt Nam.
Nhiều bài viết tranh luận sôi nổi của các nhà thơ tên tuổi như: Lưu Trọng Lư, Thế Lữ, Xuân Diệu, Nguyễn Nhược Pháp, Hàn Mặc Tử, Nguyễn Bính….đăng trên các báo: “Phong hóa”, “Ngày nay”, “Phụ nữ tân văn”, “Tiểu thuyết thứ Bảy”, “Tin văn”, “An Nam tạp chí”, “Công luận”, “Tiếng dân”, “Văn học tạp chí”…đã tạo ra một luồng gió mới trên văn đàn đương thời. Từ đây, “Thơ mới” đã mở ra một thời kỳ mới của thơ ca Việt Nam.
Người sáng lập và chủ nhiệm là ông bà Nguyễn Đức Nhuận không phải là nhà văn – nhà báo, nhưng “Phụ nữ Tân văn” có chủ bút là Đào Trinh Nhất và Phan Khôi lại là những nhà văn, nhà báo nổi tiếng đương thời. Ngoài ra, báo còn có ban biên tập và cộng tác viên tên tuổi về lĩnh vực văn học như: nữ sĩ Vân Đài, nữ sĩ Manh Manh (tức Nguyễn Thị Kiêm), nhà văn Thiếu Sơn, các nhà thơ Quách Tấn, Tản Đà, Trần Tuấn Khải, Lưu Trọng Lư, nhà văn Trần Thanh Mại….nhiều tác phẩm văn học đã được lựa chọn đăng trên “Phụ nữ tân văn”.
Kể từ số báo đầu tiên ra mắt ngày 2-5-1929 đình bản vào ngày 21-4-1939, hơn 10 năm tồn tại với 173 số báo được phát hành, “Phụ nữ Tân văn” trở thành tờ báo phụ nữ được nhiều người quan tâm, tán thưởng, có ảnh hưởng sâu sắc đến văn hóa, xã hội, giáo dục Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân: “Phụ nữ Tân văn là tờ tạp chí thành công nhất từ trước đến nay ở miền Nam, là thành tựu rất cao của những cố gắng của trí thức miền Nam trên đường hiện đại hóa văn học và báo chí”./.
Chu Hòa