Chiếc batoong “xê dịch” của nhà văn Nguyễn Tuân

Một trong những hiện vật độc đáo của nhà văn Nguyễn Tuân mà Bảo tàng Văn học Việt Nam lưu giữ được là chiếc batong đã từng gắn bó với ông suốt mấy chục năm.

Gian trưng bày các kỷ vật của nhà văn Nguyễn Tuân

Chiếc ba toong được nhà văn Nguyễn Tuân sử dụng trong những năm 60, 70, 80 của thế kỷ trước. Điều đặc biệt là nhà văn Nguyễn Tuân đã lưu lại tên nhiều địa danh ông đi qua trên thân chiếc batoong: Lũng Cú 23*22’; Pakmie (Bắc mê); Lao – Kay; Gio Linh; Xin ma cai 1965, Vân đồn, đảo Vân hải, Sài Gòn, Tourane, Hoàng xu phì, CAP ST. JAC QUES.

Các địa danh được nhà văn Nguyễn Tuân khắc tên trên cây ba toong của mình

Vật dụng này đã theo nhà văn Nguyễn Tuân đi mọi miền tổ quốc, từ Tây Bắc hùng vĩ đến những vùng hải đảo, hay cùng ông sang nước Pháp xa xôi, hoa lệ.

Nhà văn Nguyễn Tuân ít ở nơi nào được lâu. Ông không thích cuộc sống trầm lặng, bình ổn nên đi để tìm điều mới mẻ, độc đáo. Mỗi tác phẩm của ông là sự trải nghiệm, nghiên cứu, quan sát sau những chuyến đi: Tập tùy bút Sông Đà(1960) là kết quả của những chuyến đi thực tế vùng Tây Bắc, hay ký Cô Tô (1965) ra đời sau khi ông có chuyến đi thực tế ra đảo.

Địa danh mà nhà văn Nguyễn Tuân đã tới và khắc lên ba toong của mình

Những chuyến đi của nhà văn Nguyễn Tuân kéo dài từ Bắc vào Nam, có khi kéo dài vài tháng đến cả năm. Có người kể rằng ông bỏ sáu tháng quan sát số đồn bốt ở khu vực vĩ tuyến 17 cả hai bờ Nam – Bắc và đếm số thanh ván bắc phía bên kia cầu Hiền Lương, khi hai miền còn bị chia cắt. Không thể “vượt biên” sang bên kia, ông nghĩ ra cách nhờ những người công an sang bên kia làm nhiệm vụ đếm hộ.

 

Nguyễn Tuân là nhà văn theo “chủ nghĩa xê dịch” . Mỗi chặng đường, chuyến đi được ông ghi lại trên những trang viết của mình. Ông để lại một số lượng tác phẩm đồ sộ, gồm nhiều tùy bút, truyện kí, truyện ngắn…Một chuyến đi, Vang bóng một thời, Tùy bút kháng chiến. Với những cống hiến của mình cho nền Văn học Việt Nam ông đã được Nhà nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học – nghệ thuật.

Nguyễn Hằng