Vanvn- Nhắc đến nhà thơ Vũ Cao, thường đóng đinh ông với bài thơ Núi Đôi. Có khi người ta say sưa với Núi Đôi mà quên đi cái ông tác giả Vũ Cao nào đó? Đó cũng là hạnh phúc của mỗi nhà thơ. Đó cũng là điều thường thấy ở Vũ Cao.
Nguyên mẫu cô du kích “bảy năm về trước em mười bảy” ấy ở ngay chân Núi Đôi, nơi “Xuân Dục – Đoài Đông hai cánh lúa” bây giờ đã là thị trấn, thị tứ sầm uất chứ thời chống Pháp và sau này thời chống Mỹ thưa vắng lắm. Đến năm 1999, khi nhóm phóng viên Truyền hình Quân đội nhân dân chúng tôi về quay những thước phim ở Núi Đôi, có Bí thư Sóc Sơn Nguyễn Tâm Chính dẫn ra nghĩa trang, nơi có mộ phần nữ du kích Trần Thị Bắc quang cảnh hãy còn sơ khoáng lắm. Người em trai nữ du kích họ Trần khuôn mặt sạm nắng gió ứa đôi dòng nước mắt bên mộ chị gái đã hy sinh trên nửa thế kỷ như còn cứa vào tôi cho đến tận bây giờ.
Và, cái bóng cao lớn của nhà thơ Vũ Cao quần áo trắng, râu tóc trắng ở tuổi tám mươi trước chùm hoa đại trắng trong khuôn viên tượng đài liệt sĩ Sóc Sơn cùng các nhà văn Xuân Thiều, Hồng Diệu như tạc nên nền trời xuân bay muôn nỗi xa xanh. Người đã về với đất để trời xanh thanh bình mãi mãi. Mà Vũ Cao bây giờ cũng đã xa rồi.
Núi Đôi của Vũ Cao chính là một tượng đài thơ. Khi viết ra nó, Vũ Cao không biết đến điều này. Sau này cũng thế, nó là do bạn đọc suy tôn. Đó đúng hơn là đạo lý suy tôn. Thơ văn, cái đích lớn nhất chính là đạo lý.
Vũ Cao không như lứa nhà thơ đồng thời với ông, những Hoàng Cầm, Thâm Tâm, Chính Hữu, Quang Dũng, Trần Dần… toàn những ông mà Vũ Cao sau này thường bảo: “Các ông ấy ghê gớm lắm, giỏi lắm”. Còn về mình, Vũ Cao luôn nhắc đi nhắc lại: “Tôi không biết gì về thơ đâu nhé. Toàn nhìn thấy, nghe thấy gì thì chép ra thế thôi. Tôi vụng lắm. Tôi không biết thơ đâu. Các ông thông cảm nhé!”
Vũ Cao nói thật.
Thì hai câu thơ “Bỗng cuối mùa chiêm quân giặc tới/ Ngõ chùa cháy đỏ những thân cau” là những câu thơ tả thực, giản dị mà nhói buốt biết bao nhiêu.
Cái thực đó chỉ có ở những người hòa cùng máu thịt với nhân dân mới có.
Nhưng đến khổ cuối của bài thơ:
Anh đi bộ đội sao trên mũ
Mãi mãi là sao sáng dẫn đường
Em mãi là hoa trên đỉnh núi
Bốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
Thì cái thực thà giản dị đã hóa thành biểu tượng, thành hồn cốt, thành văn hóa tâm linh, thành lý tưởng niềm tin dài rộng cho suốt bao thế hệ. Cái hồn vía bình dị ấy, cứ thế lắng sâu, ngấm kỹ, lan tỏa và thăng hoa mãi.
Đó chính là trên đỉnh du ca.
Không hiểu sao, cho đến tận bây giờ, mỗi khi đọc lại Núi Đôi, nhất là nghe ngâm lại bài thơ này, tôi luôn cho rằng đó là một khúc du ca dành cho người đã khuất, những nữ du kích vùng đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp 9 năm.
Ai viết tên em thành liệt sĩ?
Bên những hàng bia trắng giữa đồng
Nhớ nhau anh gọi em: Đồng chí!
Một tấm lòng trong vạn tấm lòng.
Thì rõ ràng là một khúc hát ru cho người nằm xuống. Một khúc ru có hàng bia trắng như lời mẹ ru xưa cánh cò trắng trên đồng.
Một khúc ru đã trở thành lời ru đất nước non sông bình dị, sự tri ân đồng chí thiêng liêng thân thiết, “một tấm lòng trong vạn tấm lòng”.
Hôm ở nghĩa trang liệt sĩ Sóc Sơn, tôi đã chứng kiến Vũ Cao khóc. Ông khóc mà đôi vai im như tượng tạc bên mộ người nữ du kích Trần Thị Bắc. Những thước phim quý như vậy, tôi đã sớm chuyển cho Bảo tàng Văn học Việt Nam.
Sau này, do mê mải làm phim chân dung về lứa văn nghệ sĩ cùng thời chống Pháp với ông như Hoàng Cầm, Chính Hữu, Văn Đa, Mai Văn Hiến… tôi đều rủ ông vào phim và ông phát biểu rất hay. Vũ Cao có cái lạ là nói về mình rất dở, song nói về người khác, nhất là những đóng góp của giới văn nghệ sĩ với công cuộc kháng chiến, ông luôn nói rất sâu sắc.
Nhà thơ Vũ Cao rất ít viết. Đây chắc chắn là một ẩn số. Với một người lưng vốn dày dặn như ông mà viết ít hẳn bên trong có ẩn tình gì? Ông lại sớm “trụ trì” ở ngôi chùa văn chương lớn – Số 4 Lý Nam Đế, nơi các đa đề hội tụ, nơi mà “dắt một học sinh lớp 4 như Lê Lựu” đến cũng trở thành một nhà văn.
Vậy mà ngoài Núi Đôi, ông chỉ sáng tác thêm ít bài thơ nữa, không thành công lắm. Ông cũng không hề tỏ ra băn khoăn sốt ruột gì. Cái nghề văn chương ấy mà, cũng như những nghề khác thôi, có bổng trầm lên xuống. Có khi đã trên đỉnh du ca rồi là hoàn thành nhiệm vụ. Cần gì phải có nhiều Núi Đôi khác nữa. Một mộ phần Trần Thị Bắc mười bảy tuổi thơm mãi cánh hoa thơm cũng là ân nghĩa máu xương của người dân, của người thôn nữ đã hóa thành hương hoa đất nước thảo thơm rồi. Cuộc đời cần gì nhiều vết thương sâu nữa.
Nhà thơ Vũ Cao sống rất giản dị. Tính ông lại xuề xòa, lúc nào cũng đi chân đất, ở nhà cũng như ở cơ quan. Hôm đi làm phim ở Núi Đôi, chúng tôi đã phải sắm cho ông đôi dép xốp to nhẹ. Vậy mà thoáng cái đã thấy ông đi chân đất phăm phăm leo núi, hỏi để dép ở đâu chỉ thấy nhà thơ ngơ ngác mỉm cười.
Xuề xòa là vậy, song đối với văn chương, Vũ Cao lại rất kỹ tính và luôn tìm cách bảo vệ anh em cấp dưới. Có một lần, một ông quan văn nghệ tận Trung ương có chất vấn tại sao Văn nghệ Quân đội không in thơ của ông ấy. Nghe nói Xuân Sách đã trả lời rất căng, khiến vị quan văn cáu giận, Vũ Cao gọi Xuân Sách lên nghe đầu đuôi. Xuân Sách nói lý:
– Thơ ông ấy dở, không thể in được. Tôi loại bởi vì sự công bằng. Đây cũng là tiêu chí của Tạp chí, tiêu chí của Tổng Biên tập đề ra.
Vũ Cao nhỏ nhẹ:
– Nhưng ông ấy là cấp trên, là người vai vế từ thời tiền chiến.
– Càng không nên in anh ạ. Không in để bảo vệ uy tín cho ông ấy.
Vũ Cao ngồi im. Ông không nói gì thêm. Sau này, khi Xuân Sách có bài thơ chân dung về ông, ông cũng chẳng nói gì.
Bài thơ như sau:
Sớm nay nhấp một chén trà
Bâng khuâng tự hỏi đâu là Núi Đôi
Những người cùng làng với tôi
Muốn sang Đèo Trúc muộn rồi đừng sang.
Mới hay, cái sự im lặng của Vũ Cao cũng đầy thế thái nhân tình vậy.
Bản thân nhà thơ Vũ Cao cũng rất biết Núi Đôi là cái đỉnh thi ca của mình. Nó chính là ông. Mộc mạc, bình dị mà sâu thẳm đến lòng dạ con người, lòng dạ trời xanh. Thơ Vũ Cao, đặc biệt là Núi Đôi, không hề có sự gồng lên của câu chữ, càng không gọt rũa, uốn ba tấc lưỡi, cũng không có cái hào hoa lấp lánh, cái sang chảnh chuông khánh mà tự nhiên như nước, như trăng. Đó quả thực là trời ban cho chứ người thường cả đời tu luyện cũng khó mà có được. Núi Đôi! Một đỉnh núi du ca. Núi Đôi! Một nỗi niềm đau thương đã hóa thành lời ru bình yên, huyền thoại.
Tôi khi thực hiện phim tài liệu về bài thơ Núi Đôi đã mời hai người ngâm tác phẩm này, đó là nghệ sĩ Hồng Liên và nghệ sĩ Tố Hoa. Ngâm ngay trên đỉnh Núi Đôi, bên cạnh chiếc lô cốt sần sùi rêu mốc lau đồi phơ phất gió. Ngâm dưới chân tượng đài liệt sĩ Sóc Sơn hoa đại trắng trời, phía bên cạnh thật gần là mộ liệt sĩ Trần Thị Bắc mười bảy tuổi đã hóa hương thơm. Những vần thơ như những lời ru của mẹ, của bà vọng lại. Những vần thơ như thóc, gạo, ngô, khoai mà làm nên đất nước trường tồn.
Nhà thơ Vũ Cao đã hơn mười năm trở về thế giới của người hiền. Ông mất năm 2007. Mỗi khi giáp Tết, ngày ông còn sống, chúng tôi thường đến thăm gửi quà Tết cho ông. Ông hiền lắm! Ông luôn dành mấy lon bia mời tôi uống. Tai ông đã nghễnh ngãng còn rất ham nghe. Ông lại kể cái dạo tiễn Nguyên Ngọc, Nguyễn Thi vào chiến trường, ông còn nhớ mãi. Khi ấy, cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở vào giai đoạn rất gay go. Nguyễn Thi nằng nặc xin đi B. Ông giữ thế nào cũng không được. Để có được một Người mẹ cầm súng, nhà văn Nguyễn Thi đã phải anh dũng hy sinh ở chân cầu chữ Y trong Tết Mậu Thân 1968. Thời gian đó, nhiều nhà văn Văn nghệ Quân đội vẫn tiếp tục đi B hoặc đang ở chiến trường như Nam Hà, Nguyễn Trọng Oánh, Nguyễn Chí Trung, Ngân Vịnh, Thu Bồn… Tết nào, nhà thơ Vũ Cao cũng thay mặt lãnh đạo tới thăm các gia đình có nhà văn đi B, nhất là gia đình nhà văn liệt sĩ Nguyễn Ngọc Tấn – Nguyễn Thi. Khi ấy, mái đầu đã bạc của Vũ Cao như có ai vít xuống.
Thấm thoắt vậy mà mấy chục năm trôi.
Vũ Cao – Núi Đôi giờ đã trở thành biểu tượng văn chương sừng sững.
Sau khi nhà thơ Vũ Cao mất, thi thoảng Tết nhất chúng tôi vẫn đến thắp hương cho ông trong ngôi nhà ngỏ ngõ B52 đường Hoàng Hoa Thám. Tết bây giờ đã khác, rất khác thời các ông. Song tinh thần mà thế hệ các ông, nhất là nhà thơ Vũ Cao – Núi Đôi – một đỉnh du ra lan truyền lại, vẫn vô cùng ấm áp. Như cuộc đời đang đầy đặn niềm tin và lẽ sống bởi luôn được bắt nguồn từ những đỉnh du ca.
PHÙNG VĂN KHAI
Theo: https://vanvn.vn/vu-cao-nui-doi-tren-dinh-du-ca/