Những cuốn sổ tay của nhà văn Bùi Hiển

Trong Bảo tàng Văn học Việt Nam, không gian trưng bày về nhà văn Bùi Hiển rất phong phú với nhiều hiện vật gắn với cuộc sống của nhà văn. Trong số những hiện vật ấy, có lẽ những cuốn sổ tay được trưng bày tại đây mang ý nghĩa đặc biệt hơn cả.


Những cuốn sổ tay được nhà văn Bùi Hiển ghi lại rất cẩn thận trong quá trình đi thực tế của mình. Như cuốn sổ năm 1965 nhà văn ghi chép lại đời sống sản xuất và sinh hoạt của nhân dân Nghệ An, đặc biệt là nhân dân vùng biển Quỳnh Lưu. Nhà văn ghi chi tiết từng sự kiện, nhân vật mà ông đã gặp từ ngày 2 – 7 – 1965 đến ngày 17 – 7 – 1965.
Cuốn sổ ghi chép vào năm 1966 và 1967 ghi lại quá trình nhà văn đi thực tế ở Hà Tĩnh và Quảng Bình. Trong cuốn sổ, nhà văn gặp ai, gặp những sự kiện gì ông đều ghi thật rõ ràng, tỉ mỉ.
Thông qua những cuốn sổ tay, người xem sẽ thấy được Bùi Hiển, một nhà văn thiên về khai thác tư liệu, dựa trên kết quả thực tế để tìm mẫu nhân vật, xây dựng cốt truyện. Đồng thời, ông cũng luôn bám sát vào thực tế để phản ánh cho thật chân thực cuộc đời, con người.
Nhà báo Phan Quang, người gắn bó với nhà văn Bùi Hiển trong những năm tháng ở chiến trường Bình Trị Thiên từng viết: “Bùi Hiển là nhà văn viết thận trọng…Anh đi vào cuộc sống, tự buộc mình hòa vào cuộc sống và bằng đôi mắt hiền lành nhưng rất tinh tế, hóm hỉnh. Anh quan sát, anh nhận xét, anh khắc sâu vào trí nhớ từng cảnh sinh hoạt, từng cử chỉ cho tới lời nói, từng chữ dùng của người dân. Những điều quan sát được, anh cẩn thận ghi vào sổ tay, những cuốn sổ tay dầy cộp, chữ viết ngay hàng thẳng lối như vở học sinh. Thỉnh thoảng anh lại mở sổ ra, đọc đi đọc lại các tư liệu và suy nghĩ, suy nghĩ… Chờ đến bao giờ chủ đề mình ấp ủ chín muồi anh mới đặt bút viết”.
Hơn sáu thập niên cầm bút, Bùi Hiển là tác giả của hơn 40 đầu sách thuộc nhiều thể loại như: truyện ngắn, bút ký, hồi ký, truyện thiếu nhi, tiểu luận, chân dung văn học và cả dịch thuật. Các tác phẩm của ông cũng bao quát nhiều đề tài: nông thôn, phong tục tập quán, người lính và chiến tranh cách mạng, phụ nữ, trẻ em…
Với những đóng góp lớn lao của mình cho nền văn học nước nhà, năm 2001, ông được trao giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Gian trưng bày về nhà văn Bùi Hiển tại Bảo tàng Văn học Việt Nam

Thanh Tú