Chữ Nôm Tày một di sản văn hóa quý giá của nước ta, cùng với các loại văn tự khác đã lưu trữ nguồn tư liệu to lớn có giá trị về mọi mặt trong lịch sử dựng nước và giữ nước. Cùng với các dân tộc khác, người Tày, Nùng đã sáng tạo và hoàn thiện dần chữ Nôm Tày hàng nghìn năm nay để làm văn tự dùng trong giao lưu và lưu trữ tư liệu. Đó là một thành tựu lớn của giới trí thức Tày, Nùng và cộng đồng trí sĩ Việt Nam góp phần làm giàu cho kho tàng văn hóa nước nhà.
Không gian tồn tại của chữ Nôm Tày là trong cộng đồng cư dân Tày. Chữ Nôm Tày thịnh hành trên hai loại văn bản là sách cúng và sách ghi chép truyện thơ, tri thức dân gian. Sách cúng được dùng trong các nghi lễ đầy tháng, một số nghi lễ ở đám tang người Tày, cúng vào nhà mới, giải hạn. Do trước đây số lượng người biết chữ ít nên với những sách ghi chép truyện thơ, tri thức dân gian muốn truyền tải đến người dân thường phải thông qua một người sử dụng thông thạo chữ Nôm Tày ở địa phương. Thông qua những trí thức địa phương này mà nhiều truyện thơ, thơ ca dân gian được bảo lưu, lưu truyền cho các thế hệ sau.
Người Tày, Nùng gọi chữ Nho (chữ Hán) là “chữ mực đen” (slư đăm), gồm: chữ Hán, các loại chữ Nôm: Tày, Nùng, Kinh, Ngạn, chữ Hán Dao… Chữ Nôm của các dân tộc: Kinh, Tày, Nùng, Ngạn đều có cách kết cấu giống nhau, ghép theo phương pháp Lục thư của chữ Hán, là các cách: tượng hình, tượng thanh, hội í, giả tá, chuyển chú, chỉ sự. Nhưng chữ Nôm mang nặng tính tượng thanh, ít dùng tượng hình. Các loại chữ Nôm tính định hình chuẩn thấp hơn chữ Hán. Vì là chữ của các tộc người chưa được các chính quyền phong kiến chú ý, tu chỉnh chuẩn hóa như chữ Hán, nên các loại chữ Nôm đều không thể dùng làm Quốc ngữ. Chữ Nôm các loại được dùng thịnh hành vào thế kỷ XVIII, XIX, góp phần giúp các tộc người nước ta có chữ viết.
Chữ Nôm Tày được viết trên giấy bản do người dân địa phương tự sản xuất (tiếng Tày gọi là chỉa sla). Khi viết dùng bút lông thấm mực tàu tay đưa đều ngọn bút trên giấy viết tạo thành nét thanh, nét đậm. Muốn viết chữ đẹp phải khổ luyện sao cho tay viết vừa mềm mại, vừa rắn rỏi, nét chữ lúc thanh, lúc đậm, chữ viết vuông vắn, cân xứng, đều đặn.
Người Tày quan niệm đây là chữ của “thánh hiền” nên khi viết phải cung kính, tư thế ngay ngắn, sách vở để trong rương, trong hòm như những vật quý trong gia đình. Chữ Nôm Tày có cấu tạo tương tự như chữ Nôm Việt. Trong chữ Nôm Tày có hiện tượng sử dụng những chữ Hán Việt, giữ nguyên nghĩa gốc nhưng đọc theo âm tiếng Tày. Ví dụ như chữ Hoàng đọc theo âm Hán Việt có nghĩa là hoàng đế, đọc theo Nôm Tày là “vuồng”.
Tuy nhiên, chữ Nôm Tày cho đến nay vẫn chưa hình thành bộ chữ thống nhất, có những chữ cùng âm, cùng ngữ nghĩa lại có nhiều tự dạng khác nhau. Điều này là do trong điều kiện trước đây chữ Nôm Tày được lưu hành thông qua truyền dạy trực tiếp và sao chép thủ công nên đã có nhiều biến thể. Có nhiều chữ khi viết được người viết giản lược nét, viết tắt, viết thảo (lối viết nhanh, liền nét, chỉ giữ một số nét trọng tâm trong chữ) nên nếu không có một trình độ nhất định về chữ Hán thì không thể đọc được văn Nôm Tày.
Việc sáng tạo ra chữ Nôm của dân tộc Tày đã góp phần giữ gìn, duy trì bản sắc văn hóa của dân tộc và đồng thời có thể giới thiệu kho tàng văn hóa đặc sắc đó tới đông đảo người dân của các dân tộc khác.
Đào Nguyên Phương