“Sổ mua hàng” và “Tem thực phẩm” hiện đang được trưng bày ở Bảo tàng Văn học Việt Nam đã trở thành “ký ức” về một thời bao cấp khó khăn, gian khổ của đất nước nói chung và của nhà văn Hoài Thanh nói riêng.
“Sổ mua hàng” và “Tem thực phẩm” do Xí nghiệp Thương nghiệp giao tế, 26 Lê Thái Tổ – Hà Nội cấp cho nhà văn Hoài Thanh, công tác tại Báo Văn nghệ, năm 1982, tiêu chuẩn hạng B.
Là một gia đình công chức thuần túy, nên mọi chi tiêu sinh hoạt của gia đình nhà văn Hoài Thanh lúc đó cũng hoàn toàn phụ thuộc vào “Sổ mua hàng” và “Tem phiếu”. Kỷ vật đã từng là đồ vật quý giá nhất của gia đình và ông sử dụng để mua những hàng hóa thiết yếu như: Trà, nho, sữa, kẹo, gạo, thịt, dầu…
Trong thời bao cấp, việc thông thương, buôn bán bị hạn chế, các gia đình chủ yếu trông chờ vào phần “Tem phiếu” và “Sổ mua hàng” được phát để duy trì nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm cho gia đình.
Tem, phiếu là những mảnh giấy nhỏ, ghi tên những mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống được nhà nước phân phối cho mỗi người dân tùy thuộc vào vị trí công việc, đặc thù công việc, cán bộ nhà nước, người lao động. Sổ mua hàng ghi lại những mặt hàng mà người được phát đã sử dụng tem phiếu để mua. Tem phiếu và sổ mua hàng có các hạng A, B, C …và chỉ có giá trị trong từng tháng.
Thời bao cấp đã qua đi nhưng đã để lại nhiều kỉ niệm khó quên đối với nhiều thế hệ người Việt Nam. Câu chuyện về “Sổ mua hàng” và “Tem thực phẩm” sẽ giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về đời sống của nhà văn Hoài Thanh và có cái nhìn sinh động, chân thực về quá khứ của nước nhà những năm 80.
Chu Thị Hòa