Nói như nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường: Nguyễn Trọng Tạo là người “ham chơi”. Với gương mặt lãng tử, anh thường đi theo các tiếng gọi của mọi người. Tạo tâm sự: “Đất Nghệ núi cao sông sâu”. Người Nghệ phải trần lưng ra chống chọi với bão lũ nhưng sống “trọn nghĩa vẹn tình”.
Nguyễn Trọng Tạo trong đêm nhạc Khúc hát sông quê tổ chức tại quê nhà ông. Ảnh: Internet |
Tạo có thể ngồi thâu đêm suốt sáng vẻ nhàn nhàn để uống rượu. Trong lúc nâng lên đặt xuống, Tạo biết lắng nghe nỗi lòng bạn để rồi chia sẻ niềm riêng của mình. Nên trong các cuộc uống Tạo thường giữ được bạn. Sau cuộc uống anh lại có thêm bạn mới, cùng bạn cũ ngồi lại với nhau ngày đông hơn, vui hơn. Những cuộc như thế đi qua năm tháng là những cuộc dẫn nhập đưa anh vào cuộc sống.
Tạo đa tài, kể cả âm nhạc, thơ, hội họa. Ba ngón nghề đó không lúc nào thoát khỏi những cánh chim “đào hoa”.
Tôi không phải là người uống rượu, nhưng chịu được bạn rượu hành và đôi khi “lăn lóc” với Tạo. Tạo uống rượu đâu phải là cuộc “tửu trường”, cũng chưa phải đạt mức “tiên tửu”. Nhưng với chén rượu quê trên tay, có lần Tạo ngồi nhâm nhi với bạn từ chiều hôm trước tới 10 giờ sáng hôm sau. Trong cuộc đó, có người đứng lên, có người lại ngồi xuống để nghe Tạo rỉ rả cuộc đời.
Ngồi với Tạo, ai cũng thích cái vẻ nhàn nhàn, đàng hoàng của anh. Uống đấy mà không “quậy”, càng uống càng thăng hoa…
Hồi đầu thập kỉ 90, vợ chồng tôi làm chuyến khất thực vào Huế. Anh Nguyễn Quang Hà và Nguyễn Trọng Tạo làm tạp chí. Tôi ra mắt Tạo một chùm thơ năm bài, được Tạo chọn 3 bài in số mới. Tạo ứng tiền nhuận bút trước đưa vợ tôi bảo: “Để anh chị có tiền ngồi tàu”.
Tôi lăn lóc nằm vạ nhà Tạo gần một tháng. Vợ tôi ngồi chiếc xe cỏ Tạo chở đi chợ Đông Ba mua than củi về nấu cơm. Tạo chạy xe đã lắm, cứ như bay trên đường phố Huế với dòng sông Hương. Dòng sông đa tình đầy hoa cỏ và những tà áo dài trắng đi ngược dốc Phú Cam. Về tới nhà xô vào bếp làm cơm cho cả nhà ăn. Tạo nấu ăn đâu đến nỗi tồi. Vợ tôi ôm đầu kêu đau, chả giúp được gì bữa tối.
Bên cạnh cái bếp than thời cổ, ngó vào phía trong Tạo cho kê chiếc máy giặt to tổ bố. Vợ Tạo bảo: “Mấy anh bạn anh Tạo từ Đà Nẵng mới chở qua tặng, nói để lúc em sanh bé có máy trợ giúp”. Tôi hỏi Tạo: “Bé tên gì”? Tạo cười hiền giọng bông đùa rất nghệ “Bố nó là Trọng Tạo, thằng con là Trọng Chí. Chả cần trọng ai hết…”
Tạo nuôi vợ chồng tôi không hề than thở. Rồi cùng tôi đi mua hoa tặng ngày sinh nhật nhà thơ Hải Bằng. Bữa đó tôi gặp được nhà thơ Hoàng Phủ Ngọc Tường, Ngô Minh, Tô Nhuận Vĩ. Anh Tường tặng tôi tập “Người hái hoa phù dung”, chữ ký anh nhấp nhô như núi.
Trông mặt Tạo hiền hiền, hoang mạc mà nuôi bạn thật “trọn nghĩa vẹn tình”. Nuôi nhau cái thời Tạo viết.
“Thời tôi sống biết bao điều khó nói/ Câu trả lời không dễ dàng chi”. Đúng như mấy năm trước đó có người than: “Năm tám mươi, gạo tám mươi/ Người xứ Nghệ mặt vàng như nghệ”.
Tạo tặng tập thơ “Tản mạn thời tôi sống”. Trưa đó, tôi nằm đọc thấy nhiều câu nhói lòng: “Anh yêu em phải đi ra trận/ Vợ yêu chồng biết chờ đợi nuôi con/… Ba mươi năm không ngày nào vắng người chết đạn/ Khăn tang bay người sống trắng mái đầu/ Đâu cũng gặp những nghĩa trang liệt sỹ…”
Tạo đi trong mưa, ngủ đồng trắng nước chống lũ lụt ở quê. Thơ, nhạc, họa của anh chung thủy với nhân dân… Tạo ý thức được câu thơ anh viết đã làm cho ai đó “cau mày” khó chịu vì đụng chạm chỗ này chỗ nọ. May mà phút chót không bị gỡ ra khỏi mặt báo. Tạo viết: “Đọc thơ tôi xin bạn chớ chau mày”.
Ngồi với bạn hữu, tôi ngộ ra điều “thơ ca của Tạo là máu thịt của nhân dân”. Nhân dân tự hào có anh, và anh cũng tự hào có nhân dân anh hùng nuôi dưỡng nên thơ nhạc của Tạo.
***
Sau chuyến đó tôi rủ rê Tạo ra Thái Bình. Tạo đi nhờ chiếc xe của Văn nghệ Huế. Nhảy xuống xe, Tạo không vào Hội, nói ra chơi với anh Cường và Kim Chuông chứ không theo đoàn “hát xẩm” kiếm ăn.
Tạo xuống nhà tôi ăn cơm, hôm sau đi nói chuyện thơ ngoài huyện Vĩnh Bảo quê Kim Chuông. Tạo uống khuya, Kim Chuông về Tạo ngồi một mình. Hơn mười một giờ tôi kêu Tạo ngủ lại nhà. Tạo không chịu, khoác túi ôm chai rượu ngược bấc đi bộ về Hội ngủ nhờ phòng bảo vệ.
Chúng tôi đến Vĩnh Bảo đọc thơ, uống rượu. Hồi đó đi lại thường dùng xe máy. Tôi chở Tạo bằng chiếc xe đầu vểnh. Xe ngốn xăng, đạp mãi mới chịu nổ, tiếng máy phành phạch, xích rão, gồng mình chở hai chàng lãng tử. Ở Hải Phòng về, ghé quán “cóc” ở đầu cầu đổ. Uống xong, Tạo hớn hở đi ra, tôi hỏi: “Cảm giác thế nào”? Tạo bảo: “Sướng”.
Từ ngày đó, đi đâu chứ về Thái Bình Tạo đều qua cái “tệ xá” của tôi “tá túc”. Những ngày ôm vai, ngủ vùi ở góc giường chật tôi mới thật sự hiểu về chữ “trọn tình vẹn nghĩa” Tạo nói.
Năm 1976, Tạo mang quân hàm Thiếu tá, Trưởng đoàn nghệ thuật 341 đóng quân ở núi Lệ Kỳ miền tây Quảng Bình, được đón ông hoàng tình ca Trịnh Công Sơn và nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường – Lâm Thị Mỹ Dạ, nhà thơ Xuân Hoàng, nhà thơ Võ Quê. Khi được tin khách tới nhà, ông Đoàn trưởng gọi cô phụ trách quân nhu lên hỏi trong kho còn những gì? Quân nhu cho biết: “Còn 1 tạ giò cừu đóng hộp, năm ký thịt lợn tươi, mười tám chai rượu chanh (thứ rượu khá quý ngày đó)… Rau quả có hàng tạ”.
Tạo bảo: “Tạm đủ”, cho lính tráng nghỉ phục vụ khách mấy ngày liền. Khi vào cổng trại anh lính gác hỏi:
– Đây là anh Hoàng Phủ. Còn anh Ngọc Tường đâu?
Lâm Mỹ Dạ nghe vậy cười ỏn ẻn, nhỏ nhẹ: “Anh Hoàng Phủ và Ngọc Tường là một…”
Trong cuộc liên hoan trên sân khấu ghép gỗ dựng tạm, các em đoàn văn công nhảy múa, hát xướng. Trịnh Công Sơn bảo, văn công gì đẹp hơn cả nữ sinh Đồng Khánh. Anh Xuân Hoàng, Võ Quê đọc thơ. Anh Sơn kêu mệt nhưng cuối buổi tiễn, nhạc sĩ ôm đàn thật sôi nổi: “Mặt đất bao la, anh em ta về/ Gặp nhau mừng như bão cát…”
***
Nguyễn Trọng Tạo đối với bạn “trọn nghĩa vẹn tình” đúng nghĩa, Tạo dành cho quê hương nhiều bản tình ca. Có lần về quê Tạo ghé thăm nhà thơ Trần Hữu Thung, lúc ra đồng gặt lúa ngạt ngào như cất tiếng gọi người tài hoa, Tạo lội xuống hai tay dang rộng ôm lúa. Có ít tiền Tạo tung lên ném xuống mặt đồng. Anh bảo: “Mừng tuổi lúa”. Lãng mạn đến thế là cùng! Yêu quê yêu bạn. Cảm xúc ấy có được do lúc thăm nhà thơ, hai anh đọc lại bài “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung. Chi tiết này nhà thơ Ngô Xuân Hội đã viết trên báo.
Một buổi sáng còn mờ sương, sương thu nhiều quá ướt cả lá cây, ngọn cỏ. Bỗng Tạo xuất hiện trước cửa nhà, nói mình nhảy xe về đây chơi với anh chị. Tạo leo lên gác xép, gối đầu lên chiếc áo mưa vải bạt ngủ vùi giấc sâu, đến bữa mới dậy ăn trưa uống rượu rau muống xào với hai lạng thịt trâu. Hồi bao cấp tiếp bạn thế là xôm lắm. Chả kể gì tốn kém. Chúng tôi khì khà hết buổi với nhau.
Trong lúc ăn Tạo khơi khơi mọi chuyện. Nghe chuyện Tạo dần dà, nhè nhẹ, chuyện nào cũng thấm, có chuyện cay cay sống mũi.
Hồi đó “Tiếng hát sông quê” chưa ra đời. Mãi đến năm 2002 Tạo đi dự trại viết ở Vũng Tàu, Lê Huy Mậu người cùng “miền” với Tạo đưa cho anh tập “Trường ca khắc khoải”, trong đó có đoạn “Khúc hát sông quê. Tạo ngồi phổ “Khúc hát sông quê”, trong trại nhiều nhạc sĩ ngồi nghe Thu Hiền hát lần đầu. Tạo là một gã lang thang, đi qua đời anh là hồn dân Kinh Bắc. Nếu không có tấm lòng, tình yêu nồng cháy với quê hương sao Tạo phổ được những câu: “Ôi con sông quê, sông quê/ Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ. Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”.
Ngày Nguyễn Trọng Tạo, Nguyễn Hoa còn ăn cơm tập thể số 4 Lý Nam Đế ở Hà Nội, Tạo ngồi đọc bài thơ “Làng quan họ” của Nguyễn Phan Hách. Những giai điệu làng Kinh Bắc vang lên. Tạo bỏ bữa không ăn. Nguyễn Hoa lấy cơm về cho Tạo, đến gốc cây đại già dừng lại nghe Tạo hát mộc “Làng quan họ…”
Ca khúc ra đời được công chúng đón nhận, vang trên đài, đi vào nhân dân một cách hồn nhiên…
Chỉ một “Làng quan họ” và “Khúc hát sông quê” đã trọn vẹn dựng chân dung nghệ sĩ. Chả cần nói thêm gì nữa. Lần tôi rủ Nguyễn Trọng Tạo về Thái Bình, ông trạm trưởng cục đường sông cầu Triều Dương, Phạm Văn Hào nghe “lỏm” ở đâu chuyến Tạo về, “bắt cóc” người “ham chơi” xuống tàu. Anh ôm lấy Tạo bảo: “Hôm nay có cá ngạnh nấu chuối, ốc nhồi luộc, khế chua, ổi bo, rượu Đô Kỳ, xin nghệ sĩ dừng chân với cánh đò giang sông nước”. Với tính cách “Đâu cũng nhà, ngã đâu là giường”, Tạo đồng ý ở lại đò. Cơn mưa bất chợt đổ xuống mạn đò. Tôi nghĩ đó là cơn mưa hồng đổ xuống người nghệ sĩ lang thang.
Tạo là một nghệ sĩ đa tài khát sống. Anh muốn sống nhiều nơi, cùng một lúc muốn ngồi với người này người khác. Lắm lúc Tạo không phân biệt được ngày và đêm nữa… Anh muốn rút ngắn không gian, thời gian với lạ và quen để chiêm nghiệm sống.
Ai cũng hiểu quê Tạo nghèo và đi qua bao cuộc chiến, nhưng Tạo luôn đòi hỏi người quê sống cho “trọn nghĩa vẹn tình”. Quê anh đến cây gai xương rồng cũng thủy chung với đất mẹ nở hoa. Chiến tranh rồi sẽ qua đi, nhưng cái nghèo cứ đeo bám người quê.
Sự từng trải, khiêm nhường, lang thang dễ sống đã dựng lên cốt cách độc đáo hào hoa cho Tạo. Có lần Tạo về Thái Bình, Tiến sĩ Vũ Mạnh Páo đưa anh đi thăm khắp cánh đồng cao cánh đồng thấp. Vài ba tháng sau Tạo chưa viết được gì. Thời gian đó Tạo đã dọn đến gian nhà tầng 5 phường Phương Mai. Nhà chật quá, bạn bè đông, Tạo phải cơi nới bốn chung quanh bằng gỗ thùng ọp ẹp và xập xệ, các hộc sách tràn ra chỗ nằm. Một sự lộn xộn trong cách làm việc cần cù.
Hồi ấy đi lại Hà Nội tôi thường lấy nhà Tạo là “cái ga” đậu chân, sau mới đi nơi khác. Cho đến một đêm, đã khuya lắm, Tạo gọi dựng tôi dậy nghe khúc ca “Ba ca hạt lúa vàng”. Tôi nghe tình ca hạt lúa vàng của Tạo với sự xúc động. “Cây lúa cho ta yêu cuộc sống/ Cây lúa cho ta yêu trọn đời”. Sáng hôm sau, tôi tin cho tiến sĩ Páo, rồi tổ chức chuyến chạy về Hà Nội cùng Tạo đi thu âm.
***
Ngày 30-12-2018, Tạo lo khánh thành từ đường ở Diễn Hoa, Diễn Châu, Nghệ An. Rồi Tạo đột quỵ, đi nằm ở Bạch Mai. Thầy thuốc phát hiện Tạo bị ung thư phổi giai đoạn cuối. Tạo nằm viện, bạn bè đến với anh chả thiếu một ai. Tạo nằm lặng lẽ khóc, hai tay luôn để bụng dưới, như ngấm mọi nỗi đau đời.
Những ngày nằm dưỡng ở viện Bạch Mai, bạn bè cảm động nghĩa cử chăm sóc cho bố của vợ chồng Hương Ly, con gái anh.
“Tất cả nom vào nó”, Tạo mỉm cười đau đớn nói vậy. Sau này vợ chồng Hương Ly lo tang ma đón rước bạn bè và chăm sóc mọi điều cho hai em và mẹ Thanh trong Huế.
Nghĩa cử đó đã cho Tạo cao sang hơn, lớn hơn khi nói về những đứa con được Tạo chăm nuôi dạy dỗ.
Nguyễn Thụy Kha, “đôi đá cặp” ngày nào cũng ghé vào phòng Tạo nằm. Kha bảo: “Tạo đã sống bằng mấy đời người khác”. Tiếc cũng chẳng được, chỉ buồn Tạo bỏ anh em đi đột ngột quá, đó là sự đùa cợt của tạo hóa lẽ ra không nên có trên đời này. Đau xót và sự buồn phiền Tạo để lại quá lớn.
Cụ Kim bố vợ Tạo nhận thưởng Huân chương lao động nhân dịp cụ 90 tuổi. Cụ là Phó bí thư Huế ai cũng nể trọng. Khách khứa chật nhà. Một chính khách người Huế nói: “Sau đây mọi người về, quên hết, quên tất cả…Nhưng thằng Tạo con rể cụ chỉ một “Khúc hát sông quê” đã trở thành bất tử””.
Tạo đi rồi, nhóm hát 5 dòng kẻ được Tạo đặt tên lúc gặp ở Sài Gòn, nhiều người đã thành danh trong đó có nhạc sĩ Giáng Son, cùng tôi góp cho Tạo giọt nước mắt. Hẳn bây giờ Tạo nằm đấy, nhưng đâu cô liêu, đơn độc. Độc giả anh nhiều quá, đông quá, kể cả trong và ngoài nước. Có những người nổi tiếng do tác phẩm của Tạo.
Câu hát Tạo để lại nuôi tâm hồn bao người ở lại. Có người hát xong rồi, khóc anh. Anh chẳng gây vướng bận cho ai, cũng như hạt bụi hóa kiếp…
Tạo đi rồi, tôi thẩn thơ ra vào. Tôi nhớ tới “Diễm xưa” của Trịnh Công Sơn, “Mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ/ Làm sao em biết bia đá không đau?/… Ngày sau sỏi đá vẫn cần có nhau…” Con người tài danh ấy đã đi trước rồi. Tạo cắp nón theo. Buồn hay đau đây? Trong tôi cử bảng lảng mơ hồ về Tạo.
Tôi nhìn ra cửa phòng nơi những khóm hoa nắng lấp lánh trước thềm. Bây giờ Tạo đã phiêu diêu trong trời đất để lại trong tôi khoảng trống vô tận. Chắc giờ anh thèm hơi thở của thành phố, thèm đi xuống một vùng quê có con sông lặng chảy.
Lúc Tạo nhắm mắt, tôi và Hồng Chuyên kịp gửi vòng hoa lên viếng bạn. Tôi tự hào được làm bạn với Tạo.
________
Ghi chú: Nguồn tài liệu có từ Nguyễn Thụy Kha, Lê Huy Mậu và bạn bè của Nguyễn Trọng Tạo.
Nguồn Văn nghệ số 45/2021