Bảo tàng Văn học Việt Nam rất may mắn sở hữu một bản Lục Vân Tiên- Duy Minh Thị, in năm 1872 và hiện được trưng bày tại phần trưng bày về nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu trong Bảo tàng.
Tác phẩm “Lục Vân Tiên” của Nguyễn Đình Chiểu có thể coi là bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa. Truyện thơ Lục Vân Tiên ban đầu là những ghi chép bằng chữ Nôm. Đến năm 1864, lần đầu truyện được in thành sách nhưng bằng tiếng Pháp.
Bản Duy Minh Thị là bản in sách chữ Nôm đầu tiên ngay khi tác giả Nguyễn Đình Chiểu còn sống. Bản này rất có giá trị và khá hiếm trong giới sưu tầm sách cổ. Đến năm 1883, Abel des Michels cũng dùng bản này để biên soạn bộ “Những truyện thơ của nước Annam”.
Nội dung chính của tác phẩm :” Lục Vân Tiên bỏ dở thi cử về quê chịu tang mẹ rồi bị bệnh và mù hai mắt. Vân Tiên sau đó bị sĩ tử đố kỵ với tài năng và gia đình hứa gả con gái, hãm hại, hết đẩy xuống sông lại bỏ vào hang sâu trong rừng. Trong rừng sâu, Vân Tiên may mắn được sĩ tử Hớn Minh cứu giúp, được tiên cho thuốc nên mắt sáng lại. Đến khoa thi, Lục Vân Tiên đỗ Trạng nguyên, được nhà vua cử đi dẹp giặc Ô Qua. Trên đường thắng giặc trở về, chàng gặp lại Kiều Nguyệt Nga- người từng được Vân Tiên cứu giúp và nguyện gắn bó suốt đời. Trở về kinh sư, Vân Tiên tâu hết sự tình với nhà vua, kẻ gian ác bị trừng trị, người nhân nghĩa được đền đáp, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga hạnh phúc”.
Trải qua hàng thế kỷ, tác phẩm Lục Vân Tiên được các nhà xuất bản in đi in lại rất nhiều lần nhằm đáp ứng như cầu của người đọc. Có thể thấy, trong nền văn học Việt Nam tác phẩm Lục Vân Tiên vẫn giữ nguyên giá trị trong lòng độc giả.
Thanh Tú