Viên gạch ở nhà tù Lao Bảo được trưng bày ở Bảo tàng Văn học Việt Nam là bằng chứng cho những năm tháng tù đày khắc nghiệt mà nhà thơ Tố Hữu đã trải qua, trong đó có nhà tù Lao Bảo.
Thời gian ở nhà tù Lao Bảo, nhà thơ bị giam trong căn hầm chỉ rộng vài chục mét đào sâu xuống đất, có mấy cửa sổ nhỏ để thông hơi. Căn hầm chật chội mà nhốt tới bốn mươi người, ẩm ướt, ngột ngạt vô cùng, đồ ăn chỉ cơm hẩm với cá thối. Trong thời gian ở nhà tù Lao Bảo, nhà thơ Tố Hữu đã đấu tranh bằng hình thức tuyệt thực, tuyệt ẩm kéo dài 14 ngày, nguy hiểm tới tính mệnh.
Có lúc nhà thơ Tố Hữu đã phải “Trăn trối” rằng: “Đời cách mạng từ khi tôi đã hiểu. Dấn thân vô là phải chịu tù đày. Là gươm kề tận cổ súng kề tai. Là thân sống chỉ coi còn một nửa” để động viên mình và những người đồng chí cùng cảnh ngộ, quyết tâm đấu tranh, hy sinh vì cách mạng.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình nhà Nho nghèo có truyền thống văn chương nên ngay từ nhỏ nhà thơ Tố Hữu đã tiếp cận với văn hóa, văn học dân tộc. Khi học trường Quốc học Huế, ông tiếp xúc và giác ngộ với tư tưởng của Karl Marx, Engel, Lenin, Maxim Gorky, những đồng chí cách mạng tiền bối như Lê Duẩn, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Chí Diểu…. sớm đã trở thành chiến sĩ cách mạng.
Tham gia nhiều hoạt động cách mạng và có thơ văn đăng trên báo, ông bị thực dân Pháp chú ý. Sáng sớm, ngày 27 – 4 – 1939, ông bị mật thám Pháp bắt giam và giải qua nhiều nhà tù như: Thừa Phủ, Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Quy Nhơn, Đăk Gley. Trong khoảng thời gian giam cầm, ông đã sáng tác được 30 bài thơ nằm trong phần “Xiềng xích” của tâp thơ “Từ ấy”.
“Từ ấy” trở thành tập thơ đầu tiên, làm nên tên tuổi Tố Hữu – một nhà thơ lớn của nhân dân và đất nước./.
Chu Hòa